Nếu có dịp đến thành phố xinh đẹp Hải Dương, đi ngược về phía Tây thành phố, cách trung tâm chừng 2 km, dừng chân lại đường Ngô Quyền, phường Thanh Bình, bạn sẽ thấy có một ngôi trường khang trang bề thế, đó chính là trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi -  Lá cờ đầu của ngành giáo dục tỉnh Hải Dương, một điểm sáng trong khối THPT Chuyên toàn quốc, ngôi trường luôn được coi là có qui mô và chất lượng giáo dục tốt của nước nhà.

Được thành lập ngày 28 tháng 9 năm 1984 với tên ban đầu là trường Trung học phổ thông Năng Khiếu Hải Hưng, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã trải qua 25 năm xây dựng và phát triển. Ai có thể đong đếm được những gian lao vất vả của thày trò nhà trường trong buổi ban đầu sơ khai? Từ các lớp Toán đặc biệt ra đời trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước, từ nơi hầm sâu vách đất, sau 20 năm, hơn 500 học sinh của năm mươi chín lớp chuyên Toán đã trưởng thành. Nếu có thể hình dung lịch sử trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi, hẳn không thể quên những ngày gian lao và tên tuổi những người nhóm lên ngọn lửa đầu tiên như thầy Trần Phi, Trần Văn Vuông, Lê Huy Phách...Còn nếu lấy mốc lịch sử là ngày chính thức lập trường, ngày 28 tháng 9 năm 1984, thì THPT Chuyên Nguyễn Trãi cũng là một trong những đơn vị được thành lập sớm nhất trong khối các THPT Chuyên các tỉnh thành và các trường ĐH trong cả nước lúc bấy giờ.

Chặng đường 25 năm xây dựng và phát triển của trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi gắn liền với thời kì cả nước thực hiện đổi mới mạnh mẽ, toàn diện sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Với nhiệm vụ vẻ vang nhưng cũng rất đỗi nặng nề mà ngành giáo dục và nhân dân giao phó là phát hiện, khơi nguồn, bồi dưỡng học sinh giỏi phục vụ chiến lược đào tạo nhân tài cho địa phương và cho đất nước, suốt những năm qua, trải qua bao thời kì với bao khó khăn thử thách, các thế hệ thày và trò nhà trường đã có những bước đi cụ thể mà vững chắc, góp công xây dựng truyền thống dạy tốt - học tốt, phục vụ cho công cuộc phát triển của đất nước trong thời kì mới.

Từ những năm đầu 1984 đến 1997, trường có hệ đào tạo chuyên trung học cơ sở, thành tích còn khiêm tốn, nhưng tỉ lệ đỗ đại học gần 100%, và cũng đã có cả giải Nhất giải quốc gia, có học sinh dự thi quốc tế, tiêu biểu như : Đinh Tiến Cường, Trần Trọng Hùng .....

Từ một cái tên còn rất chung chung: THPT Năng Khiếu Hải Hưng, cùng với việc tách tỉnh Hải Hưng thành Hải Dương và Hưng Yên, tnăm học 1997 – 1998, “cậu bé” Năng khiếu Hải Hưng vinh dự được mang tên mới: Trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi – tên vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, cũng là người đã có nhiều tháng năm gắn bó với mảnh đất Chí Linh, Hải Dương.

Và rồi, từ bàn tay của những người giáo viên tâm huyết, tài năng gieo trồng, những quả ngọt trái sai của phong trào giáo dục tỉnh nhà ngày càng trĩu nặng. Từ 1998 đến nay, thành tích học sinh giỏi quốc gia liên tiếp đứng tốp 5, trong đó có những năm xếp thứ nhất toàn quốc về tổng số giải. Đặc biệt từ 2001 tới nay, năm nào nhà trường cũng có học sinh thi quốc tế và khu vực, đạt giải ở các bộ môn Toán, Lí, Hoá. Tỉ lệ đỗ Đại học xấp xỉ 95%, có học sinh đỗ thủ khoa vào các trường Đại học danh tiếng trong nước, được tuyển đi du học. Chất lượng giáo dục được giữ vững và tăng cường toàn diện. Những tên tuổi như Ngô Xuân Hoàng, Huy chương Vàng Ôlimpic Hóa Quốc tế môn Hoá ( 2005 ), Nguyễn Văn Mạnh, Huy chương Vàng môn Toán (2006), Phạm Thành Thái, Huy chương Vàng môn Toán ( 2007), Nguyễn Văn Khiêm, Huy chương Bạc Ôlimpic Hóa Quốc tế năm học 2000 – 2001, Đỗ Thị Thu Thảo, Huy chương Bạc môn Toán (2008), Phạm Thành Long, Huy chương Bạc môn Lý ( 2009 ), Nghiêm Viết Nam, Huy chương đồng môn Lý (2002), Hoàng Trung Trí, huy chương đồng môn Lý ( 2003), Lê Thanh Tùng, Huy chương đồng môn Hoá (2003), Nguyễn Xuân Cương, Huy chương đồng môn Toán ( 2009 ), rồi giải khu vực châu Á Thái Bình Dương như Nguyễn Quang Bằng - Huy chương Đồng môn Toán (2000), Tô Minh Hoàng - Huy chương Đồng môn Toán (2001), Hoàng Trung Trí-Huy Chương đồng môn Vật lý (2003), Lê Hữu Tôn - Giải khuyến khích Vật lý Châu Á (2004), Phạm Thành Long - Huy Chương Bạc Vật lý châu Á (2009), Nguyễn Trung Tùng - Bằng khen Vật lý châu Á (2009).... đã trở nên quen thuộc lắm trong ngành giáo dục toàn quốc, những hạt giống vàng của đất Hải Dương.

Những thành quả đó đủ nói lên tất cả sự cố gắng của thày và trò. Tuy nhiên, vẫn còn đó nỗi băn khoăn, cơ sở vật chất vẫn còn quá nghèo nàn, thiếu thốn. Có những lúc bàn vênh ghế gãy, mái tôn nóng như thiêu, thày trò đầm đìa mồ hôi đánh vật với những bài văn, lời giải toán. Một trường THPT Chuyên danh tiếng, đứa con cưng của Tỉnh đã khiến Mẹ Cha nở mày nở mặt với thiên hạ mà vẫn còn vất vả thế sao? Như thấu hiểu nỗi khó khăn của thày trò, đến năm học 2006 - 2007, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND Tỉnh và Sở GDDT Hải Dương, trường đã được chuyển địa điểm mới tại đường Ngô Quyền. Với cơ sở vật chất tương đối khang trang, diện tích sử dụng là 31.995m2, 12 phòng học văn hoá đồng bộ và hiện đại để bồi dưỡng giảng dạy cho học sinh đại trà cũng như học sinh chuyên Lý, Hoá, Sinh; phòng thư viện điện tử với hơn 8.000 đầu sách luôn sẵn sàng phục vụ giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh, các phòng tin học, nhà đa năng đang xây dựng, phòng thí nghiệm và các phòng chức năng với đầy đủ các thiết bị hiện đại đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu sư phạm, trường đã có đủ điều kiện để đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục trong thời kỳ đổi mới.

Từ cơ sở vật chất ban đu còn nghèo nàn, giờ đây, được dạy và học trong ngôi trường khang trang với đầy đ tiện nghi hiện đại, thày trò nhà trường vô cùng phấn khởi, như được tiếp thêm nguồn sức mạnh, càng nỗ lực, hăng say, sinh ư nghệ tử ư nghệ, sống chết với nghề, vì danh dự và trách nhiệm của cá nhân và tập thể. Lúc này, thành tích học sinh giỏi quốc gia, đại học càng tiếp tục tăng, Không biết có phải ngẫu nhiên, năm học 2007, với 59 giải, lần thứ hai, trường đã đưa tỉnh nhà Hải Dương đứng thứ nhất về HSG Quốc gia, Em Phạm Thành Thái đạt HCV Olimpic Toán Quốc Tế? Tính riêng trong 12 năm, từ 1998 đến 2009, trường đã đạt 718 giải quốc gia, 11 giải Quốc tế, 6 giải Khu vực. Với những con số đầy sức thuyết phục, có thể nói, trường đã tự hoàn thiện, vươn lên tầm cao mới, giữ vững thành tích dạy học sinh giỏi, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài trên cơ sở mục tiêu đào tạo toàn diện giỏi văn hoá, có kiến thức tốt về tin học, năng động về xã hội và thích nghi với mọi hoàn cảnh, khoẻ mạnh về thể chất, rèn luyện toàn diện cho học sinh.

Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ không phải là ngắn so với cái hữu hạn của đời người, nhưng so với dòng thời gian vô thủy vô chung thì hai mươi lăm năm cũng chỉ như một tích tắc! Và đặt trong điều kiện một tỉnh đồng bằng còn nghèo thì quả thật, hai mươi lăm năm qua, THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã đi bằng đôi hài bảy dặm! Từ chỗ cơ sở vật chất gần như con số không, đến hôm nay một ngôi trường đường bệ! Chúng ta đã có gần như đủ những gì cần có: một đội ngũ giáo viên bề thế hơn một trăm con người, trong đó có rất nhiều thày cô giáo tài năng, tâm huyết; một tập thể một nghìn một trăm ba mươi bảy học sinh của 33 lớp chuyên và 3 lớp công lập không những đã đạt được những thành tích xuất sắc về văn hóa mà còn múa dẻo, hát hay, thể thao cừ, có năng lực tổ chức thực hiện các CLB Chuyên môn, CLB Thời trang, Văn nghệ thật giỏi, thật khéo! Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt tập thể, phong trào Văn nghệ thể thao, học sinh THPT Chuyên Nguyễn Trãi đã được rèn luyện đạo  đức, tác phong, hình thành nhân cách. Các em đã sớm tạo nên một phong cách học sinh THPT Chuyên Nguyễn Trãi với các đức tính tự tin, năng động, sáng tạo, cương trực, tế nhị... Điều đó không chỉ được thể hiện qua các cuộc thi học sinh thanh lịch, giải Người đẹp thành Đông do các em Nguyễn Thu Trang, Hoàng Lệ Dung… đã mang về, mà nó còn được thể hiện trong văn minh ứng xử hàng ngày của các em với thày cô, gia đình, bè bạn, trong sự giao tiếp xã hội.

Trong hai mươi lăm năm qua, các em đã tô thắm thêm cho trang sử vàng truyền thống nhà trường bằng biết bao phần thưởng có ý nghĩa. Đó là hằng hà sa số giải Quốc gia, HCV, HCB, HCĐ, Bằng khen, HC APMO.... Chính các em, bằng sự thông minh, hiếu học, cần cù, đã đem về những thành tích rực rỡ làm nức lòng người Hải Dương, đủ để mẹ cha và các thày cô tự hào rằng mình đang đứng ở vị trí nào trong đại gia đình các trường THPT chất lượng cao toàn quốc.

Hai mươi lăm năm, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành. Họ là những chiến sĩ, sĩ quan quân đội, những nhà khoa học có học vị, những văn nghệ sĩ tên tuổi, những vị giám đốc, phó giám đốc các nhà máy, xí nghiệp, công ty lớn, những nhà quản lý kinh doanh có uy tín, có học sinh đã trở thành cán bộ lãnh đạo các tổ chức Đảng và Nhà nước. Và dù ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ nghề gì, trên bất cứ cương vị lãnh đạo nào, họ cũng tự hào bởi đã từng là học sinh trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi.

Trải qua bao ngày tháng gian nan vất vả của những năm tháng chiến tranh, những khó khăn của thời bao cấp, những phức tạp của thời kinh tế thị trường, cho đến nay, nhà trường đã trở thành một địa chỉ có sức hấp dẫn lớn đối với học sinh và các bậc phụ huynh trong Tỉnh, một tên tuổi đáng tự hào người Hải Dương.

Đi suốt chặng đường 25 năm lịch sử, có biết bao những kỷ niệm vui buồn, biết bao thăng trầm và những điều còn mất, biết bao khó khăn không thể kể hết bằng lời... nhưng có thể nói, cuối cùng, trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương đã hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo giao phó. Liên tục nhiều năm nhà trường luôn đứng ở tốp đầu những trường THPT chuyên mạnh trong cả nước về thành tích thi HSG Khu vực châu Á -Thái Bình Dương và Ôlimpic Quốc tế. Từ khi tách khối chuyên THCS khỏi trường, về thành tích thi HSG Quốc gia, nhà trường cũng luôn đứng ở tốp đầu. Đó quả là tiếng nói thuyết phục nhất với các bậc phụ huynh, với nhân dân Hải Dương, làm rạng danh cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.

Có được những kết quả trên, đầu tiên phải kể đến cái nền truyền thống hiếu học của đất và người Hải Dương. Xưa kia, đây là nơi đã hội tụ biết bao anh tài đất Việt, trên mảnh đất văn hiến và giầu truyền thống hiếu học này đã từng có "Lò tiến sĩ xứ Đông"; mảnh đất đã nổi danh với "Làng tiến sĩ" như Mộ Trạch (Bình Giang).... mảnh đất đã gắn liền với tên tuổi của các bậc vĩ nhân như: Nguyễn Trãi, Trần Khánh Dư, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Mại, Nguyễn Dữ, Đại anh y Tuệ Tĩnh, bà chúa Sao Sa Nguyễn Thị Duệ, vị nữ tiến sĩ đầu tiên của nước ta, và Chu Văn An-người thầy của muôn đời... Chính mảnh đất ấy đã hun đúc nên truyền thống cần cù hiếu học của người Hải Dương. Cha mẹ các em còn vất vả nhưng đã không tiếc công sức cùng đầu tư xây dựng mái trường, đầu tư cho việc học hành của các con. Nhiều em gia đình nghèo, nhà ở xa tận Tứ Kì, Kinh môn, Chí Linh không quản mưa nắng, lặn lội hàng mấy chục cây số đến trường, nhiều gia đình khó khăn, mẹ cha phải chắt bóp dành dụm từng đồng bạc để có tiền cho con trọ học, nhưng các em đã vượt lên tất cả, không hổ thẹn là con cháu tỉnh Đông. 

Và tất nhiên, không thể không kể đến nhân tố quyết định chất lượng trong mỗi thành viên cán bộ công nhân viên của nhà trường. Đó chính là đội ngũ giáo viên. “Danh sư  xuất  cao đồ”. Không có thày giỏi sao đào tạo nên trò giỏi ? Từ hai lớp học thuở ban đầu sơ khai với đội ngũ mỏng manh của thày cô giáo, cho đến nay, trường đã có một Hội đồng sư phạm mỗi năm mỗi lớn thêm về số lượng, mạnh thêm về chất lượng, một tập thể đoàn kết, giàu nhiệt tình công tác, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, đặc biệt là một đội ngũ giáo viên trẻ năng động, sáng tạo, đáp ứng được yêu cầu mới... đây là nhân tố giữ vai trò quyết định mọi thành quả của nhà trường. Tất cả đều đoàn kết nhất trí xung quanh ban Giám hiệu theo tinh thần chỉ có nỗ lực vượt bậc để tự khẳng định mình thì mới có chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Nhà trường đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể trước mắt cũng như chiến lược lâu dài để phát triển đội ngũ. Các giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm luôn gương mẫu trong công việc, tận tình chỉ bảo lớp trẻ. Các giáo viên mới ra trường thường xuyên được Tổ chuyên môn, Ban giám hiệu góp ý điều chỉnh những thiếu sót về kiến thức, kĩ năng, mỗi giáo viên đều tự trau dồi chuyên môn nghiệp vụ bằng cách tự học tập, mua sách vở, trang bị máy tính cá nhân hay tự bỏ tiền theo học các khóa học ngắn ngày, văn bằng hai, cao học. Nhà trường chú trọng đầu tư tập huấn cho giáo viên toàn trường những kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học cơ bản, đào tạo giáo viên có trình độ cao, hoàn chỉnh đội ngũ cốt cán, tiếp cận các dự án nước ngoài... Một trăm linh chín thày cô, trong đó có 4 cán bộ quản lý, 90 giáo viên trực tiếp đứng lớp, 15 cán bộ văn phòng là một đội ngũ trùng trùng những con người tài năng, tâm huyết, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, trong đó có 28 giáo viên có trình độ cao học, thạc sỹ và 6 giáo viên đang theo học lớp thạc sỹ ở ĐHSP Hà Nội. Sáu thầy cô giáo được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú; Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Bạch Vân, Hiệu trưởng trường phổ thông Năng khiếu Hải Hưng từ năm 1984 đến 1989 từng được tặng Huy chương vì thế hệ trẻ, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng II, Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Sự tận tuỵ, đầy trách nhiệm với công việc, năng động, sáng tạo của thầy Hiệu trưởng Đặng Tự Ân, cô giáo Hiệu trưởng Nguyễn Lan Phương....Thầy Phan Tuấn Cộng Hiệu trưởng nhà trường đã 11 năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Riêng năm 2008, thầy được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Hai lần vinh dự được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen. Sáu năm được UBND Tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi. Thầy giáo Đỗ Mạnh Hưng, Bí thư Đảng Bộ, Phó Hiệu trưởng nhà trường được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích 5 năm cuộc vận động "Kỷ cương-Tình thường-Trách nhiệm" 1993-1998 và được Uỷ Ban nhân dân Tỉnh cấp bằng "Lao động sáng tạo", được Sở Giáo dục và Đào tạo khen về thành tích xuất sắc trong phong trào Thi đua thời kỳ đổi mới 1990-2000. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Nhị, phó hiệu trưởng nhà trường được công nhận là Chiến sĩ thi đua Toàn quốc, 9 năm liền là chiễn sĩ thi đua cấp Tỉnh và nhiều Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của Công đoàn ngành Giáo dục - Đào tạo, của Uỷ ban nhân dân Tỉnh. Đặc biệt, cô đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều thầy cô giáo đựoc Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, nhiều thầy cô giáo liên tục được công nhận là chiễn sĩ thi đua và giáo viên giỏi các cấp, nhiều thầy cô được UBND Tỉnh Hải Dương tặng Bằng khen về thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi.

Trong bảng vàng thành tích lấp lánh của nhà trường, không thể không kể đến vai trò xung kích của các thế hệ Đoàn viên thanh niên. Trong chặng đường 25 năm qua, bằng những thành tích rực rỡ về mặt học tập và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh của trường đã liên tục được công nhận là Đoàn trường tiên tiến xuất sắc, được Tỉnh Đoàn tặng cờ và Trung ương Đoàn tặng Bằng khen. Năm học này, trường đã được tặng cờ trong liên hoan "Tuyên truyền các các khúc cách mạng" với giải C của khối TNTH-TP Hải Dương lần thứ II tháng 3 năm 2007....

Để đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt học tốt, nhà trường luôn chú trọng đến công tác xây dựng Đảng. Nhà trường hiện có 57 giáo viên là Đảng viên trong đó có 32 nữ. Đảng bộ có 4 chi bộ: Toán-Lý, Tự nhiên, Xã hội-Văn phòng, Văn-Ngoại ngữ. Đảng bộ liên tục được công nhận là "Đảng bộ trong sạch vững mạnh" có thành tích tiêu biểu được Thành uỷ và Tỉnh uỷ biểu dương, có thành tích xuất sắc trong việc phát triển Đảng viên mới, được Thành uỷ tặng giấy khen năm 2007,2008.

Với 109 công đoàn viên, sinh hoạt theo 10 tổ công đoàn (9 tổ chuyên môn, 1 tổ văn phòng), công đoàn nhà trường luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ của mình và liên tục được công nhận là đơn vị tiên tiến xuất sắc, được Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tặng cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua khối sự nghiệp năm 1998, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen năm học 2006-2007. Mỗi khi công đoàn viên có chuyện vui, chuyện buồn, những lúc ốm đau các công đoàn viên nhà trường đều được thăm hỏi, giúp đỡ. Nhà trường cũng rất quan tâm động viên kịp thời đến từng cán bộ giáo viên về cả vật chất và tinh thần  như tổ chức cho cán bộ giáo viên đi tham quan du lịch, học hỏi kinh nghiệm các trường bạn, tổ chức kỷ niệm mừng sinh nhật từng cán bộ , giáo viên...

Nhà trường đã tạo mọi điều kiện để giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động giáo dục, tổ chức các chuyên đề, đặc biệt là tổ chức các tiết dạy theo dự án nhằm phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh.

Và, nếu như không có sự quan tâm sâu sắc của UBND Tỉnh, sự chỉ đạo quản lý trực tiếp của Sở GD – ĐT Hải Dương, sự cộng tác giúp đỡ to lớn về cả tinh thần lẫn vật chất của các cấp, các ngành, các trường và các bậc cha mẹ học sinh, thì làm sao có được một thương hiệu THPT Chuyên Nguyễn Trãi với bảng vàng thành tích chói lọi như ngày hôm nay?  

Hai mươi lăm năm, nhìn lại một chặng đường, thày và trò trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi thật tự hào vì những gì mình đã đạt được. Đảng và Nhà nước cũng đã ghi nhận công lao đóng góp to lớn của các  thế  hệ  thày trò và đã dành cho họ nhiều tặng thưởng cao quí: Bằng khen năm 1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Huân chương lao động hạng Ba năm 1994 của Chủ tịch nước; nhiều năm trường đạt danh hiệu: Trường tiên tiến xuất sắc. Trong hai năm học, 1996-1997 và 1997-1998, trường được Uỷ ban nhân dân Tỉnh trao tặng Lá cờ đầu ngành giáo dục Hải Dương.

Kỷ niệm 25 năm thành lập trường cũng là dịp để nhà trường có thể “Ôn cố tri tân”, rút ra những bài học trong quá khứ cho hiện tại, định hướng phát triển tương lai. Vẫn còn biết bao việc phải làm trong thời gian tới để phù hợp với nhiệm vụ mới trong tình hình mới. Làm thế nào để xây dựng đội ngũ giáo viên đủ trình độ tiếp cận công nghệ mới trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học, trong giáo dục toàn diện cho học sinh... nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thời gian sắp tới? Làm thế nào để mở rộng quan hệ trong nước và quốc tế trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo? Làm thế nào để duy trì, giữ vững thành tích học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế về số lượng và nâng cao chất lượng giải, phấn đầu năm học sau cao hơn năm học trước về thành tích học sinh giỏi, có nhiều học sinh đoạt giải Quốc tế và khu vực? Làm thế nào để yêu cầu giáo dục sát thực theo hướng hiện đại, phù hợp với giới trẻ và phù hợp với từng đối tượng cụ thể để học sinh phát huy được năng khiếu của mình?. Đó là những bài toán mà nhà trường vẫn còn trăn trở. Trong xu thế quốc tế hóa và hội nhập hiện nay, nhà trường hoàn toàn có thể tiến hành liên kết đào tạo với các trường trung học ở nước ngoài để nâng cao hiểu biết, nhất là trình độ ngoại ngữ cho học sinh. Điều này rất có ý nghĩa vì vốn ngôn ngữ sẽ là phương tiện giúp học sinh nâng cao tầm hiểu biết, vươn tới những chân trời tri thức mới. Trước hết, hướng mà nhà trường cần tính đến là sự phát triển của cộng đồng Anh, cộng đồng Pháp ngữ và tính thiết thực của việc dùng hai ngôn ngữ này trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Việc tiến hành liên kết và tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài không phải là quá khó, điều khó khăn lớn nhất ở đây là phải làm sao bồi dưỡng được trình độ ngoại  ngữ cho giáo viên toàn trường để họ có thể tự tin trong giao tiếp quốc tế và nghiên cứu khoa học, sử dụng thành thạo và khai thác tốt các nguồn tài nguyên vô tận Internet, tiếp cận với trình độ của giáo viên các nước trong khu vực và thế giới.

Với 25 tuổi đời non trẻ, mà thành tích của nhà trường về mọi mặt đã ngang bằng với những trường chuyên hàng đầu trong cả nước, đạt một bước tiến dài trong quá trình giáo dục và đào tạo của trường và tỉnh Hải Dương. Năm học này, Hội đồng thi đua khen thưởng nhà trường đã đề nghị Hội đồng thi đua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh xem xét đề nghị Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì . Trên cơ sở đó, trong những năm học tới nhà trường phấn đấu được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới" cho thành tích của trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

Ngôi trường đang bước vào tuổi 25 dạt dào nhựa sống. Những thành tích rực rỡ mà thày và trò nhà trường đạt được mới chỉ là bước đầu. Hi vọng rằng, rồi đây, nơi ươm mầm trí tuệ, tài năng lớn nhất Thành Đông cũng sẽ trở thành nơi khơi nguồn, đào tạo và bồi dưỡng học sinh giỏi toàn diện lớn nhất trong cả nước, trên cơ sở đó phát hiện nhiều hơn nữa nhân tài cho Đất Việt quí yêu!


Bùi Đình Nhiễu

(Tổ trưởng tổ Văn)