I. Quá trình thành lập

Ngoại ngữ là một trong 3 bộ môn có mặt ngay từ buổi bình minh của trường Phổ thông Năng khiếu Hải Hưng, nay là trường THPT Chuyên Nguyễn Trãi – Hải Dương. Mô hình lớp chuyên Văn – tiếng Nga được mở từ năm 1984 song song với chuyên Tiếng Anh mới thành lập, tạo nên lớp chuyên Ngoại ngữ đầu tiên của nhà trường. Mô hình này được hoàn thiện năm 1996 với sự góp mặt của lớp chuyên tiếng Pháp. Theo quy mô đào tạo của nhà trường, các thày cô giáo giảng dạy chuyên tiếng Anh, Nga, Pháp từ lớp 8 đến lớp 12. Từ năm 1998 đến nay, việc giảng dạy chỉ tập trung vào khối phổ thông trung học.

II.  Đội ngũ giảng dạy

a. Danh sách các thày cô giáo

1. Thày giáo Nguyễn Đức Huỳnh: giáo viên Tiếng Nga, tổ trưởng từ 1984 – 1999

2. Cô giáo Vũ Thị Hồng: giáo viên Tiếng Anh, giảng dạy từ 1986 – 1996

3. Thày giáo Nguyễn Văn Hợp: giáo viên Tiếng Nga + Anh: giảng dạy từ 1988 – 1997

4. Cô giáo Nguyễn Thị Hải: giáo viên Tiếng Nga + Anh: giảng dạy từ 1984 – 2007

5. Cô giáo Nguyễn Thanh Hải: giáo viên Tiếng Nga: giảng dạy từ 1986 đến nay

6. Cô giáo Vũ Thị Hồng Hương: giáo viên Tiếng Nga: giảng dạy từ 1987 đến nay

7. Cô giáo Nguyễn Thị Ngân Giang: giáo viên Tiếng Nga + Anh: giảng dạy từ 1987 đến nay

8. Thày giáo Ngô Mạnh Hùng: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 1991 đến nay

9. Cô giáo Vương Bích Hạnh: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 1994 đến nay

10. Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Mỵ: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 1996 đến nay

11. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh: giáo viên Tiếng Nga + Anh: giảng dạy từ 1996 – 2007

12. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Dung: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 1997 đến nay

13. Thày giáo Nguyễn Mạnh Cường: giáo viên Tiếng Pháp: giảng dạy từ 1998 đến nay

14. Cô giáo Hoàng Thị Vân: giáo viên Tiếng Pháp: giảng dạy từ 1998 đến nay

15. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Lương: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 1999 đến nay

16. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Vân: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 2000 đến nay

17. Cô giáo Phan Thị Diệu Thu: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 2005 đến nay

18. Cô giáo Nguyễn Thị Hè: giáo viên Tiếng Nga: giảng dạy từ 2006 đến nay

19. Cô giáo Nguyễn Thị Bích Liên: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 2007 đến nay

20. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hằng: giáo viên Tiếng Anh: giảng dạy từ 2008 đến nay

b. Thuận lợi và khó khăn:

Các thày cô giáo được đào tạo chính quy từ khoa Tiếng Anh, Nga, Pháp của các trường ĐH danh tiếng của Hà Nội, một số thày cô giáo đã học tiếp chương trình sau ĐH. Cụ thể như sau:

1.    Cô giáo Vương Bích Hạnh: Bằng Thạc sĩ Ngôn ngữ ứng dụng của trường ĐH La trobe, Australia.

2.    Cô giáo Nguyễn Thanh Hải: chứng chỉ sau ĐH tại Nga

3.    Cô giáo Hoàng Thị Vân: chứng chỉ sau ĐH tại Pháp

4.    Thày giáo Nguyễn Mạnh Cường: chứng chỉ sau ĐH tại Pháp

Đa số các thày cô giáo có kiến thức chuyên môn và phương pháp sư phạm tốt, nhiệt tình với học sinh và công việc chung, tích cực học hỏi và trau dồi chuyên môn, có thành tích và uy tín trong trường và xã hội. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, còn có một số cô giáo trẻ còn thiếu  kinh nghiệm, một bộ phận thày cô giáo chưa cố gắng khắc phục khó khăn để học tập nâng cao trình độ, tinh thần trách nhiệm với công việc chung còn chưa cao.

III. Công việc của tổ

Với ba phân môn: Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp hàng năm tổ Ngoại Ngữ có trách nhiệm thành lập và bồi dưỡng ba đội tuyển cho kỳ thi chọn HSG Quốc gia.

Bên cạnh việc dạy chuyên, các thày cô giáo môn Tiếng Anh còn phụ trách việc dạy Tiếng Anh cho các lớp chuyên khác, theo chương trình của Bộ GD&ĐT. Từ năm học 2009 – 2010, việc dạy Tiếng Anh còn được thực hiện ở các lớp chuyên Tiếng Nga và Tiếng Pháp.

Hướng tới mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ thực hiện mô hình dạy Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2, nhà trường đã giao cho tổ lập kế hoạch từng bước nâng cao năng lực học ngoại ngữ không chỉ cho học sinh mà còn cho các thày cô giáo trong trường, đặc biệt là các thày cô giáo trẻ. Phấn đấu trong một vài năm tới nhà trường có thể triển khai học một số giờ các môn văn hóa bằng Tiếng Anh. Để đạt được mục tiêu này, các thày cô giáo phải phát huy hết năng lực chuyên môn và tâm huyết nghề nghiệp, cũng như hy sinh thời gian và một số quyền lợi cá nhân của mình.

IV. Thành tích đã đạt được:

Ban đầu khi mới thành lập trường, thành tích HSG Quốc gia còn khiêm tốn, nhưng tổ Ngoại Ngữ đã từng bước vững chắc trên con đường khẳng định mình.

Đội tuyển Tiếng Anh nhiều năm liền đạt 100% số học sinh tham gia dự thi có giải, một năm có giải nhất và nhiều năm có giải nhì.

Đội tuyển Tiếng Nga và Tiếng Pháp đã trải qua nhiều thăng trầm do một số nguyên nhân khách quan. Khó khăn lớn nhất là do khả năng học của học sinh chuyên Nga, Pháp còn hạn chế, ngoài ra do xu hướng chung về hướng nghiệp nên một bộ phận học sinh ngại vào đội tuyển HSG. Với lòng nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, các thày cô giáo đã giảng dạy thành công và mang về cho nhà trường nhiều giải Quốc gia, trong đó môn Tiếng Nga năm 2007 có 2 giải nhất.

Trong kỳ thi chọn HSG tỉnh, các môn Tiếng Anh, Nga, Pháp luôn giành được thắng lợi tuyệt đối, và luôn chiếm 100% số học sinh trong danh sách HSG Quốc gia.

Để tạo cho học sinh hứng thú học tập và giúp cho các em có môi trường học tiếng tốt hơn, các thày cô giáo thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ, điều đó không chỉ thu hút học sinh khối chuyên ngữ mà còn được đông đảo học sinh trong trường hưởng ứng. Có thể nói những buổi sinh hoạt ngoại khóa của tổ Ngoại Ngữ luôn có những nội dung sâu sắc, những tiết mục văn nghệ độc đáo và có không khí thật hấp dẫn. Giờ đây, cứ đến Giáng Sinh hay lễ hội Halloween là học sinh toàn trường mới và cũ lại hướng về tổ Ngoại Ngữ, mong đợi lại được sống trong không khí lễ hội xôn xao mang đậm tính văn hóa này.

Bên cạnh đó, những chuyến du lịch dã ngoại hay giao lưu cùng các bạn học sinh chuyên Ngữ của các trường tỉnh bạn: Hà Nội, Hải Phòng... đã và đang làm cho các em gần gũi, thông cảm với nhau hơn, sống tự tin, năng động và nhân ái hơn. Nhiều em đã nói một cách chân thành rằng mình thực sự tự hào là học sinh chuyên Ngữ, học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Trãi.

V. Chặng đường phía trước

Đã và đang bước những bước đi vững chắc, song con đường phía trước mà tổ Ngoại Ngữ phải đi hoàn toàn không rải bằng hoa hồng. Sẽ cam go, thử thách hơn khi ngày càng có nhiều tỉnh bạn vươn lên trở thành những đối trọng đáng nể, khi nhu cầu của xã hội về năng lực sủ dụng Tiếng Anh ngày càng cao trong thời kỳ mới: thời kỳ hội nhập và hợp tác quốc tế.

Các cô giáo trẻ sẽ xếp lại những khó khăn riêng của mình để học tập nâng cao trình độ. Các thày cô giáo nhiều kinh nghiệm sẽ dõi theo từng bước đi của những học trò cũ – đông nghiệp mới của mình, truyền đạt lại những kinh nghiệm nghề nghiệp quý báu mà mình đã tích lũy trong suốt cuộc đời chở đò của mình. Giỏi giang, năng động và tâm huyết là những phẩm chất nhà giáo mà các thày cô giáo tổ Ngoại Ngữ sẽ cố gắng hoàn thiện trong con người mình. Những phẩm chất ấy sẽ tỏa sang để soi rọi con đường cho các em học sinh không chỉ riêng chuyên ngữ, con đường đi đến vinh quang của thành công và trí tuệ, và sự hoàn mỹ trong tâm hồn. Các em sẽ trở thành chủ nhân xứng đáng của đất nước trong tương lai, góp phần xây dựng xã hội phồn thịnh và văn minh.

Thạc sĩ Vương Bích Hạnh

(Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ)