Đang trong thời gian chạy nước rút của các chiến binh ĐTQG, chúng ta hãy cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ các bạn của Khối Tự Nhiên nha!

I. Đội Tuyển Toán:

Bạn Tô Ngọc Hà – lớp 11 Toán

1. Bạn có cảm xúc gì khi biết tên mình nằm trong danh sách ĐTQG?

       Ngay khi vừa biết tin tên mình nằm trong danh sách ĐTQG, mình đã vô cùng bất ngờ và hạnh phúc, vui mừng cũng như tự hào và vinh dự khi được đại diện cho tỉnh Hải Dương tham gia cuộc thi học sinh giỏi Quốc gia. Cảm xúc thực sự rất khó tả. Ngay sau đó mình cũng đặt ra mục tiêu cố gắng hết sức để đem lại thành tích tốt cho bản thân cũng như tỉnh nhà.

2. Theo mình được biết, năm nay bạn đã tham gia thi vượt cấp, vậy bạn có thể chia sẻ một số khó khăn cũng như thuận lợi được không ?

      Tham gia thi vượt cấp, khó khăn của mình chính là tham gia học cùng những người anh tiền bối, những người đã có kinh nghiệm tham gia cuộc thi này, cũng như có nhiều kiến thức và tầm hiểu biết hơn, nên đôi lúc mình có chút lo sợ không theo kịp tiến độ học của các anh. Tuy nhiên chính điều đó tạo điều kiện thuận lợi để mình phấn đấu, cố gắng hơn. Mình có thể học hỏi nhiều điều từ các tiền bối để tích lũy kinh nghiệm cho kì thi năm nay cũng như tạo tiền đề cho kì thi học sinh giỏi Quốc gia năm tới.

3. Bạn có thể chia sẻ một số bí quyết để học tốt môn Toán được không?

       Muốn học tốt môn Toán, mình nghĩ quan trọng nhất là các bạn phải chú ý nghe giảng trong các giờ học, nắm chắc các định nghĩa và công thức. Có chỗ nào không hiểu, hãy mạnh dạn hỏi thầy cô bạn bè, chỉ có vậy mới vận dụng tốt để làm bài tập. Hơn nữa, mình mong các bạn hãy tập yêu thích môn Toán, đừng tạo áp lực mà hãy thoải mái để tạo ra niềm vui khi theo học bộ môn thú vị này nhé! Nếu đã cảm nhận được sự thú vị ấy thì bạn sẽ càng mong muốn tìm tòi khám phá thêm, mình cũng tin chắc rằng các bạn sẽ hiểu được đam mê của mình lúc này.

4. Sau khi thi học sinh giỏi Quốc gia, bạn có những dự định gì cho bản thân?

      Sau khi tham gia kì thi, việc đầu tiên không thể thiếu đó chính là bổ sung những kiến thức của các môn học khác mà mình đã bỏ lỡ trong thời gian ba tháng theo đội tuyển, đặc biệt là những môn thi THPTQG. Và tất nhiên là mình sẽ dành thời gian nghỉ ngơi, xả stress cùng với người thân và bạn bè.

II. Đội tuyển Lí:

 

Bạn Nguyễn Phi Hùng – lớp 11  Lí

1.  Bạn có thể cho biết cảm xúc của bạn khi biết mình được chọn vào kì thi đội tuyển quốc gia được không?

       Sau khi biết mình cũng là 1 mảnh ghép của đội tuyển quốc gia thì thực sự lúc ấy cảm xúc của mình khá hỗn loạn, đan xen nhau. Được vào đội tuyển là một sự bất ngờ và niềm vui khiến mình tưởng bản thân đang trong mơ. Mình còn phải bảo bạn là hãy tát 1 cái để xem có phải sự thật không. Và từ đó đến nay mình với bạn ấy chưa nhìn mặt nhau... Bên cạnh đó, mình cũng háo hức về 2 tháng học đội tuyển, hứa hẹn nhiều trải nghiệm mới mẻ.

2. Theo mình được biết thì môn Lý rất nhiều định luật, công thức nên khó học. Vậy cơ duyên nào đã đưa bạn đến với môn Lý? Bạn có thể chia sẻ những bí quyết để học tập tốt bộ môn này được không?

       Lúc đầu mình quyết định theo môn Lý vì thấy rằng lắp mạch điện rất vui. Albert Einstein từng nói: “Tôi không có tài năng gì đặc biệt. Tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết”. Chắc mình cũng giống ông ấy, tò mò về mọi thứ xung quanh mà không ngờ được nó là cái đại dương mênh mông kiến thức khiến mình bơi mãi không tới được bờ luôn. 

       Mình nghĩ môn này không quá kinh khủng như nhiều bạn lo sợ, nếu chăm chỉ đọc sách thì khả năng sẽ tự nâng cao mà thôi. Còn muốn đi thi thì phải cần thêm một chút may mắn và mình hơi bị thừa khoản này.

3. Bạn hãy dùng 3 tính từ để miêu tả các thầy cô dạy đội tuyển. Đối với bạn thì thầy/cô nào để lại ấn tượng nhất?

       3 từ để miêu tả thầy cô dạy đội tuyển bọn mình là: năng động, tâm huyết, trên thông vật lí dưới tường toán học (và nhiều môn khác nữa). Chọn ra 1 thầy cô mình yêu quý nhất thật khó vì ai mình cũng kính trọng và nể phục cả. Nhưng người mà mình ấn tượng nhất chắc sẽ là thầy Sơn vì sự nghiêm túc trong làm việc, thoải mái khi vui chơi và sự gần gũi, yêu thương học trò của thầy.

6. Bạn có thể chia sẻ tên một số cuốn sách chuyên mà bạn thấy tâm đắc nhất trong quá trình học tập của mình được không?

       Trong quá trình học Lý, mình tâm đắc nhất là bộ chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi vì tác giả viết rất rõ ràng và dễ hiểu. Nói thế thôi chứ mình vẫn chưa đọc hết đâu, nhưng mình tin rằng với những kiến thức mà thầy cô đã trang bị thì cũng đã đủ để mình “chiến đấu” ở cuộc thi lần này!

III. Đội tuyển Hoá:

Bạn Phạm Đức Nam Phương – lớp 11 Hóa

1. Bạn có cảm nghĩ gì khi được là một thành viên của Đội tuyển Quốc Gia năm nay?

       Trước tiên thì mình cảm thấy rất vinh dự được ghi tên vào danh sách học sinh ĐTQG, được có cơ hội để đóng góp vào truyền thống học tập của nhà trường. Đây cũng chính là ước mơ của mình từ lâu và rất hạnh phúc khi nó đã trở thành sự thật.

2. Khi học môn Hóa, liệu bạn có cảm thấy mình đang học một ngôn ngữ khác biệt như rất nhiều bạn học sinh nói không?

      Đối với mình thì mỗi môn học đều là những ngôn ngữ khác biệt mà con người tạo ra để hiểu và miêu tả được tự nhiên. Và chúng cũng có những cái hay, những đặc điểm, những chất kì quái khác lạ riêng của mình. Hóa học cũng vậy, nó thực sự có một nét thu hút riêng khiến mình lựa chọn nó là đam mê để theo đuổi.

3. Bạn có thể cho biết cảm nghĩ về thầy cô giáo dạy chuyên và miêu tả họ theo ngôn ngữ Hóa học không?

      Mới đầu mình thấy các thầy cô đều rất khó tính, cầu toàn nhưng học lâu thì mới hiểu các thầy cô cáu gắt cũng chỉ muốn tốt cho chúng mình. Nếu được miêu tả thì các thầy cô giống như những chất xúc tác giúp những chất đầu như bọn mình có cơ hội được tỏa sáng, phản ứng và tạo ra được những sản phẩm mà chúng mình mong muốn. Thầy cô đúng là những người dẫn đường, chỉ lối cho chúng mình. Mình cũng rất tự hào khi được học tập dưới sự giảng dạy vô cùng nhiệt huyết của các thầy cô.

4. Là lần đầu tiên tham gia đội tuyển Quốc gia và lại là thành viên vượt cấp, liệu bạn có áp lực gì không?

      Tất nhiên là sẽ có áp lực nhưng mình cảm thấy áp lực của mình không thể bằng các anh chị lớp 12 đang trong cuộc thi nước rút được. Và rõ ràng áp lực là như vậy nhưng có áp lực thì “kim cương” mới được tạo ra và mình chấp nhận áp lực đó.

IV. Đội tuyển Sinh:

Bạn Bùi Công Khánh – 11 Sinh.

1.Điều gì đã làm động lực để anh phấn đấu trở thành một thành viên trong đội tuyển Sinh? 

      Động lực lớn nhất của anh để theo học ĐTQG là thần tượng của anh, anh Hoàng Văn Đông, một tiền bối đã từng giành Huy chương Bạc quốc tế và giải Nhì quốc gia môn Sinh học năm học 2018-2019. Anh luôn cố gắng phấn đấu hết sức để có thể vượt qua được kỷ lục của anh Đông cũng như giới hạn của chính bản thân mình. 

2. Là 1 học sinh thi vượt cấp,học chung với các anh chị 12, đặc biệt là môn KHTN, anh có gặp phải trở ngại hay khó khăn gì không? 

     Trong cuốn sách "Khát vọng và tuổi trẻ" anh khá tâm đắc với câu nói" Đam mê là tên gọi khác của nỗi đau". Quả thật, không có thành công, ước mơ nào mà không phải trải qua khó khăn hay thử thách cả. Vì vậy, khi học và thi vượt cấp, mặc dù cảm thấy bản thân còn khá tự ti và còn nhiều chỗ chưa bắt kịp với các anh chị 12, nhưng anh sẽ "cố gắng hết sức, học hết mình" để có thể chinh phục giải thưởng cao nhất của cuộc thi sắp tới. 

3. Cuộc sống của anh có thay đổi nhiều không khi bây giờ bạn đang chuẩn bị cho một kỳ thi vô cùng quan trọng? 

     Theo anh thấy thì cuộc sống thay đổi khá nhiều. Anh có thể đi học và đến lớp muộn hơn hoặc sớm hơn các bạn, ra chơi cũng sẽ “khác người” nữa. Thời gian cho các công việc trên lớp và gặp các bạn cũng ít đi để dành cho việc học đội tuyển. Còn với môn chuyên  thì có lẽ là anh đã "ăn" Sinh, "ngủ" Sinh đúng nghĩa. Và đặc biệt anh cảm thấy bản thân mình cần trưởng thành hơn khi có trên vai là trọng trách trong cuộc thi sắp tới đây. 

4. Theo em được biết anh cũng là một lớp trưởng rất được tín nhiệm. Bạn có thể chia sẻ một vài bí quyết hoặc kinh nghiệm để cân bằng giữa việc học và các công việc của tập thể hay không ? 

     Châm ngôn sống của học sinh CNT là “Thích nghi với mọi hoàn cảnh” mà, thế nên để cân bằng việc học với việc tham gia các hoạt động của lớp thì bình thường ở trên lớp trong các tiết học cần tập trung hết mức, không được phép lơ là bài giảng của các thầy cô, các buổi chiều có thể lên thư viện để ôn tập. Còn các công việc của lớp anh sẽ tranh thủ thời gian ra chơi khá thoải mái của trường để trao đổi, bàn bạc ý tưởng, các công việc với các bạn trong lớp.

 

Tác giả: NMC