Xin thầy tha lỗi…

(Tưởng nhớ thầy giáo Hoàng Năng Thân- GV Toán trường PT Năng khiếu Hải Hưng)

 

Thầy ơi!

Ngày ấy chúng em học lớp chuyên Văn của trường Phổ Thông Năng Khiếu tỉnh Hải Hưng. Thầy dạy chúng em môn Toán từ lớp 10 cho đến hết lớp 11.

Lớp chuyên Văn của em toàn con gái. 19 cô nương cả thảy, văn chương chữ nghĩa “ra vấn đề” lắm. Thế nhưng môn Toán thì hầu hết là “dốt đặc cán mai”. Dốt, do những cái đầu mơ mộng văn chương không “dung nạp” được môn Toán khô khan và rắc rối. Nhưng dốt cũng còn do chúng em lười nhác nữa. Ngồi đọc một cuốn sách văn sao mà hứng thú, còn đánh vật với bài tập Toán thì quả thật toát mồ hôi.

Em nhớ lắm những hôm thầy lên lớp, giờ kiểm tra bài cũ, cả mười chín cô nương cứ ngồi nín thở. Những công thức hình học, đại số… chúng em quàng quạc học, mà chỉ đọng trong đầu được một tí, rồi bay biến sạch. Thầy kiên nhẫn giảng đi giảng lại từng tí một. Nhưng rồi càng giảng, lũ “vịt giời” lại càng ngơ ngác. Có đứa nói chuyện riêng, có đứa hí húi đọc sách, đọc báo trong giờ. Thầy cáu vô cùng. Thầy mắng, thầy phạt. Có lần, thầy bắt cả lớp chép nguyên văn một công thức hình học đúng một trăm lần trong vở. Giờ ra chơi, bạn Hải đã nhanh chóng “chế tác” được một bài hát , nhại theo bài “cô bé dỗi hờn” của tác  giả nào đó

            “Chiều hôm nay thầy Thân bắt phạt

            Hai mươi em phải chép trăm lần

            Dường như đâu công thức toán hình

            Mà thầy giao đã lâu…”

Bài hát dài và vô cùng “hợp cảnh hợp tình”. Cả lũ hát và cười bò lăn, quên cả việc chép phạt. Khi kiểm tra vở chép phạt, thầy lại cáu.

Ngày ấy, không ít lần chúng em kêu ca với nhau là thầy khe khắt quá, thầy đòi hỏi cao quá đối với lớp chuyên Văn. Theo ý chúng em, học sinh chuyên Văn thì học văn là chính. Còn môn Toán thì thầy phiên phiến cho. Mai sau chúng em thi đại học, rồi lập nghiệp bằng môn Văn chứ có phải “ăn đời ở kiếp” với môn Toán đâu. Sao thầy cứ suốt ngày kiểm tra, bắt chép phạt rồi nổi cáu… Chúng em thêm ghét môn Toán của thầy.

Em còn nhớ, có một  buổi chiều đi học, giờ Toán của thầy đầu tiên. Nhưng chờ mãi, chờ mãi, chẳng thấy thầy đâu. Vào lớp 15 phút rồi, thầy hiệu trưởng mới sang thông báo: hai tiết Toán của thầy Thân được nghỉ, thầy bị ốm không đi dạy được. Thầy hiệu trưởng vừa quay gót, lớp đã ồn ào như chợ vỡ. Đứa nào cũng sung sướng vì thầy bị ốm, được nghỉ học. Sang năm lớp 11, những buổi học vắng thầy Thân nhiều hơn. Buổi thì được nghỉ, buổi thì có thầy giáo khác dạy thay. Chúng em học hết lớp 11, thầy không còn đi dạy nữa. Mọi người nói là thầy bị ốm. Lớp tổ chức đến thăm thầy, thấy thầy gầy và yếu, ho nhiều. Thầy vẫn ân cần dặn từng tí một, rằng chương trình lớp 12 khó lắm, phải cố gắng chú ý trong giờ học. Rằng cuối năm nay thi tốt nghiệp, cả lớp phải cố gắng lên. Nếu môn văn được 10 điểm mà môn Toán được 1, 2 thì cũng trượt tốt nghiệp, làm sao đi thi Đại học, công lao bố mẹ nuôi ăn học thế là đổ xuống sông, xuống biển. Thầy còn bảo, học chuyên Văn, giỏi Văn nhưng vẫn cần học Toán, nếu không giỏi được thì cũng đừng dốt. Bởi vì chỉ giỏi một môn văn thì khác nào người chỉ có một chân. Các em có thấy ai đi bằng một chân mà vững vàng không? Thầy dặn từng đứa, chỉ ra từng cái lỗi. Đứa thì hấp tấp, hay tính toán sai, đứa thì đoảng, cứ “râu ông nọ cắm cằm bà kia”; đứa có tư chất thông minh nhưng lười…

Thầy Hoàng Văn Thân (ảnh trên, mặc vest trắng) in trên bìa Kỉ yếu của lớp Toán đặc biệt kháo 1968 - 1971

Cả lớp cứ nghĩ thầy ho hắng, ốm qua loa thôi. Rồi thầy lại khỏe, lại đi dạy...

Ngờ đâu, khi thi đại học xong, cả 19 đứa trong lớp vừa hân hoan nhập trường thì nhận tin thầy mất… Lúc đó mới biết rõ rằng thầy bị ung thư phổi đã lâu. Nhưng thầy giấu… Cả lớp tập trung ở nhà lớp trưởng, đứa nào cũng nước mắt như mưa mà chẳng nói được một  lời. Tự dưng cứ nhớ đến dáng thầy gầy gò trên chiếc xe đạp cũ, cũ đến mức “không phanh, không chuông, không gác đờ bu”, nhẫn nại đến trường mỗi buổi. Nhớ những hôm trời nắng chang chang, thầy dựng xe, lấy  khăn mùi xoa trong cặp ra lau mồ hôi đầm đìa trên gương mặt, mới bước vào lớp học. Nhớ những hôm trời mưa như trút, thầy trùm mảnh ni lông cũ màu trắng đục, che được đúng chiếc cặp sách trong giỏ xe và hai vạt áo đằng trước. Thầy lên lớp, giáo án thì khô mà lưng áo ướt dính chặt vào người. Thầy vẫn giảng say sưa. Nhớ những hôm giữa giờ học, thầy phải ngừng lời để ho rũ rượi. Nhớ vẻ mặt  buồn bã của thầy trong giờ kiểm tra bài cũ. Nhớ những điểm hai, điểm ba trong bài kiểm tra, mà nét bút đỏ của thầy như cũng run rẩy, xót xa, phần “lời phê” bỏ trống, mà ngay lúc đó, chẳng đứa học trò nào trong lớp bận tâm. Nhớ khung ảnh lớn treo trong phòng họp hội đồng nhà trường, có những tấm ảnh thầy trẻ trung, tươi cười khi đưa đội tuyển học sinh giỏi Toán đi thi tận Pháp, mang huy chương về cho Tổ Quốc. Nhớ ngày đến thăm thầy ốm, thầy cứ nén cơn ho mà dặn dò từng đứa… Nước mắt cứ rơi trong những tiếng nức nở… Đi học xa, biết tin muộn, không đứa nào kịp về để tiễn thầy lần cuối… Đến bấy giờ mới thấy con gái lớp Văn tưởng sống sâu sắc mà hóa ra nông nổi và vô tâm quá. Đứa nào cũng ước thời gian quay ngược lại, để lại được ngồi trong lớp học ngày xưa, lại được có thầy trên bục giảng… Rồi chúng em sẽ không làm thầy lo buồn và cáu giận, rồi chúng em sẽ không nông nổi và vô tâm như thế nữa…. Nhưng tất cả chỉ là ao ước... Ra mộ thầy, run rẩy cắm những nén hương liêu xiêu lên vầng đất mới, mãi mà chúng em không đứng được lên. Chúng em mất thầy thật rồi! 12 Văn mất thầy thật rồi! Chỉ một thước đất thôi mà âm dương cách biệt! Thầy có nghe thấy lũ con gái lớp văn ngày xưa đang thổn thức gọi thầy không? Trong những cuốn học bạ của chúng em, vẫn còn dòng chữ nghiêng nghiêng của thầy phê cho từng đứa, vẫn còn dòng tên thầy được viết nắn nót bên cạnh ô điểm tổng kết môn Toán lớp 10, lớp 11: Hoàng Năng Thân. Nhưng chúng em đã mất thầy rồi!

Bây giờ, trường cũ đã chuyển đi nơi khác, nhưng mỗi lần lũ con gái 12 Văn ngày xưa từ muôn nơi về tụ tập ở thành phố Hải Dương bé nhỏ, lại dắt díu nhau đến cổng trường xưa, lặng người nhớ thủa áo trắng xa xưa, nhớ thầy Thân và những tháng ngày đi học. Nhắc đến thầy, tận bây giờ, mười lăm năm có lẻ rồi mà đứa nào cũng khóc. Những đứa học Sư phạm ra, làm giáo viên, luôn luôn bảo, có đi dạy rồi, làm thầy rồi mới hiểu lòng thầy ngày trước, mới thấy chúng mình sao mà dại dột đến vô tâm. Thầy ơi, những lời xin lỗi muộn màng của học trò, thầy chẳng bao giờ còn nghe thấy nữa. Nhưng sau những xót xa này, chúng em trưởng thành lên nhiều lắm. Xin thầy tha lỗi cho chúng em…

                                  

    

Tác giả: Nguyễn Thị Việt Nga