Từ khi về trường Nguyễn Trãi dạy, tôi đã được nghe nhiều em học sinh bày tỏ nguyện vọng, ước mơ sau này đi du học. Nhưng khi tôi hỏi “Em muốn học ngành gì, ở nước nào? Vì sao em thích đến nước đó, em đã tìm hiểu điều kiện vào học ở trường đó chưa? v.v. thì rất nhiều bạn chỉ cười “Em mới có ý định thế thôi ạ”. Số đầu tiên của mục Tư vấn du học này là để truyền cảm hứng cho những bạn đang có giấc mơ du học. Qua trải nghiệm của bản thân sau một năm du học, tôi có một số điều muốn chia sẻ cùng các em học sinh như sau.

1. Đọc nhiều

Sách, báo truyền thống hoặc trên Internet đều có nhiều nguồn rất tốt. Các em chịu khó đọc sách có hai lợi ích: 1- tiếp thu kinh nghiệm người khác đã trải nghiệm, mình đỡ tốn thời gian lặp lại, đỡ bất ngờ khi vấp phải, 2- sang nước ngoài du học không chán học khi phải tự đọc rất nhiều sách trong mục sách tham khảo để làm bài luận. Đọc cả sách, truyện, báo tiếng Anh, bắt đầu từ mức đơn giản rồi tăng dần độ khó. Mới sang môi trường mới thì ai cũng shock văn hóa, nhưng ít hay nhiều là do mình có sự chuẩn bị trước về tâm lý hay không, mà chẳng có cách nào hiệu quả hơn là đọc trước, tìm hiểu trước.

Bên cạnh đó các em cần tìm hiểu môn định học, học ở đâu, những ai sẽ dạy mình. Mỗi học kỳ sẽ học những môn nào, tránh việc học được nửa chừng thì đuối sức phải chuyển ngành học hoặc tệ hơn là về nước. Có thể tìm hiểu những thông tin này qua các kênh website của trường và các du học sinh đã từng học ở đó.

2. Thực hành

Đương nhiên muốn giỏi bất cứ môn gì đều phải thực hành. Ở đây tôi muốn nói đến việc tích lũy kĩ năng sống- mắt quan sát, tai lắng nghe, tay thực hiện, không biết thì mạnh dạn hỏi. Việc gì cũng phải biết làm, từ nấu ăn, dọn dẹp, sửa chữa đồ lặt vặt cho đến mua bán, làm thêm. Có như thế thì bị ném đâu cũng sống được. Khéo tay một chút, biết làm nghề nào đó càng tốt, sang đó làm thêm ngày cuối tuần, vừa thực hành tiếng, vừa có thêm tiền mua sách vở.

Thực hành ngoại ngữ cần phải được ưu tiên, làm luôn và ngay. Hiện tại các em có nguồn tài liệu rất phong phú ở thư viện trường, trên Internet. Tìm cho mình một speaking buddy cùng chí hướng để luyện nói, lúc một mình thì luyện thuyết trình, học từ, đọc sách, luyện nghe, viết bài. Khẩn trương tìm hiểu về các chứng chỉ IELTS, TOEFL nếu em muốn đi du học ngay khi học xong phổ thông.

3.   Kết nối

Ở nhà hay du học, vẫn nên có nhiều bạn, ở khắp mọi nơi, “giàu vì bạn” mà. Tất nhiên cần lựa chọn kết bạn cho phù hợp. Các em có thể bắt đầu từ việc liên lạc với các anh chị cựu học sinh của trường đang du học ở nước mình định sang học, làm quen với bạn bè ở các tỉnh thành khác có cùng chí hướng. Bước chân ra cửa có người đồng hành sẽ thấy ấm áp, tự tin hơn nhiều. Hãy sống tử tế, quan tâm tới mọi người xung quanh, các em sẽ thấy mình có ích và được nhiều người giúp đỡ.

4. Sức khỏe

Sang đó học tôi mới thấy thương cái thân mình chỉ lo học hành mà chẳng có môn thể thao sở trường. Sinh viên nước ngoài, thậm chí từ các nước châu Á sang khác hẳn học sinh nhà mình. Sinh viên nước họ to khỏe, đi nhanh, làm nhanh thoăn thoắt, chơi thể thao rầm rập. Chỉ sau một năm tôi thấy giỏi hẳn môn “đi bộ”. Vì thế các em hãy tận dụng các câu lạc bộ thể thao ở nhà trường để tuy không cao nhưng bạn bè bốn phương vẫn phải ngước nhìn J

5. Năng khiếu

Các trường phổ thông hay đai học ở các nước châu Âu, Mỹ đều rất chú trọng đến việc phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên. Và một cách rất hiệu quả để hội nhập khi du học là tham gia các câu lạc bộ nhạc, họa, nhảy, múa, MC, nấu ăn v.v. Các trường đại học bên đó đều có vài chục “society/ group/ club” cho các em tha hồ tham gia. Đại đa số các trường có phòng gym, nhà tập đa năng, bể bơi, phòng nhạc với piano, guitar, violin để các bạn sinh viên giải trí và phát huy tài năng.

6. Tinh thần

Tự lực, hợp tác, trung thực và cầu thị là những phẩm chất rất cần thiết. Sang đó sẽ chẳng ai biết em là ai, cho dù ở nhà em là con ông nọ cháu bà kia. Cũng chẳng có bố mẹ mà ỷ lại chút việc nhà. Lại còn liên tục phải học nhóm; có khi ngồi nghe căng cả tai mà chẳng hiểu anh bạn Ả rập kia đang nói gì. Lúc đó vẫn phải kiên nhẫn mà học cùng, vì bài tập nhóm là để chuẩn bị cho sinh viên tinh thần hợp tác với nhiều kiểu người mà. Tiếp nữa là đừng khôn lỏi cóp chỗ này, nhặt chỗ kia, các phần mềm phát hiện đạo văn sẽ tìm ra ngay. Và điều quan trọng là không biết thì hỏi, hỏi bạn, hỏi thầy, hỏi người tư vấn. Mình không hỏi thì ai người ta biết mà giúp. Ở bên Anh một năm tôi thấy “sorry”, “excuse me”, “thank you” là những câu được nói nhiều nhất. Một cách tự nhiên tôi cũng dùng những câu đó nhiều hơn, và thấy việc học hỏi mọi người, từ bạn bè, thầy cô cho đến người thủ thư, đều đơn giản và gần gũi hơn.

Hi vọng những kinh nghiệm nhỏ vừa kể trên sẽ có ích cho các em học sinh. “Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome”, đúng thế, nhưng lựa chọn đi con đường nào, đơn độc hay có bạn đồng hành, thẳng hay vòng, đó là lựa chọn của mỗi người. Chúc các em thành công.

PS: Các em học sinh có phản hồi thì bình luận ngay phía dưới hoặc gửi mail cho cô thutrangcfl@gmail.com để các số sau của mục TVDH theo sát nhu cầu của các em.

Người viết bài:

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang – Giáo viên tiếng Anh – THPT chuyên Nguyễn Trãi