Mỗi lúc nghĩ về tổ bộ môn của mình, tôi lại cảm thấy vô cùng ấm áp. Tôi nghĩ về thầy Lê Huy Hậu, tổ trưởng bộ môn đầu tiên, người thầy của bao thế hệ học trò; tôi nghĩ về thày Phạm Phan Chẩn, người thầy giản dị, mẫu mực, tôi nghĩ về bao gương mặt thày cô của hai mươi lăm năm về trước, đến nay, người còn, người mất, nhưng hình như tất cả đang tụ hội về đây, bên những gương mặt trẻ trung tuổi mười tám đôi mươi tràn đầy sức sống trong ngày Hội lớn của trường...

Nhớ những ngày đầu gian khó, cùng nếm mùi vất vả chung với thuở trường lớp buổi sơ khai, nhớ những năm trường còn dạy cả lũ trò cấp II nghịch như quỉ sứ, chúng không biết chi là ngày hay đêm, trời đã về khuya mà học sinh nội trú còn dựng thầy dậy đòi phân giải cho bằng được chuyện cô Tấm trong truyện cổ tích xử lý Cám là ác hay thiện?

Cái thuở ban đầu thật gian nan nên lại càng đáng nhớ: trường nhỏ, lớp dột, thầy và trò đều khó khăn… Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỉ, cùng với sự lớn lên của nhà trường, tổ bộ môn Ngữ Văn chúng tôi cũng từng bước trưởng thành vững chắc. Từ một Tổ ban đầu chỉ có 4 tổ viên, con số ấy giờ đã là 13. Từ sự phấn đấu hi sinh thầm lặng với bao bước thăng trầm, đến nay, tổ luôn được coi là Tổ bộ môn có chất lượng đứng đầu trong Tỉnh và toàn quốc, được nhiều trường bạn đến học tập, tham quan, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn. Có 7/13 tổ viên đạt trình độ Thạc sĩ, nhiều anh chị em là GV giỏi cấp Tỉnh. Giáo viên của Tổ luôn được Sở giáo dục tin cậy mời làm cộng tác viên Thanh Tra, tham gia vào hoạt động giáo dục, chấm chuyên đề sáng kiến kinh nghiệm, nhiều chị em còn tham gia viết sách, đầu tư sâu vào chuyên môn, đạt kết quả cao trong các kì thi viết, thi Giáo viên giỏi như chị Nguyễn Thanh Huyền, Nguyễn Hoàng Hải… Hầu hết các thành viên trong Tổ biết sử dụng thành thạo máy vi tính phục vụ cho chuyên môn. Trong các kì thi bồi dưỡng thường xuyên, anh chị em luôn đạt từ loại khá trở lên, trong các đợt sinh hoạt chính trị của trường, luôn có mặt giáo viên Văn với hình ảnh riêng, dễ thương, dễ mến.

Ngoài giờ lên lớp, anh chị em luôn bên nhau trong những việc vui buồn chung của Tổ, sẻ chia gắn bó như anh chị em trong một nhà, những chuyến đi xa trong hoạt động dã ngoại, những lúc bên nhau trước trang sáng tác mới của cả thày và trò, những giờ vinh quang và cả những nỗi cay chua khi thành tích chưa tương xứng, những giọt nước mắt, những lời của đồng nghiệp động viên nhau trước và sau mỗi mùa thi...Tất cả đã trở thành chất keo gắn kết các thành viên trong Tổ, khi xa rồi ai có thể quên?

Hai mươi lăm năm, thành tích chưa phải đã dày nhưng ngày được bồi đắp thêm bằng những con số đầy thuyết phục. Khi còn khối THCS, Tổ Văn đã phát hiện và bồi dưỡng học sinh Ngô Thanh Thuỷ đạt được giải Nhất quốc gia môn Văn lớp 9. Trong khoảng mươi năm trở lại đây, Tổ đã đạt được 74 giải quốc gia môn Văn, góp phần vào thành tích chung của nhà trường, trong đó có các giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích. Riêng năm học 2003 – 2004, Đội tuyển Văn do tôi phụ trách đạt 8/8 giải, em Bùi Thị Quynh đã đạt giải Nhất môn Văn toàn quốc. Đây là giải Nhất mà khao khát của Thầy và Trò đội tuyển Văn của Tỉnh Hải Dương sau 43 năm ( tính từ năm 1961 ) mới đạt được. Thành tích của em đã đưa đội Văn của tỉnh nhà xếp thứ Nhất năm đó.

Trong những năm qua, Tổ Văn liên tục đạt Tổ lao động XHCN, các thày cô đã hoàn thành xuất sắc luận văn Thạc Sĩ, tỉ lệ Học sinh chuyên Văn đỗ Đại học hàng năm ngày một tăng. Từ ngôi trường này, rất nhiều gương mặt đã trở thành điển hình cho HSG Văn trong toàn quốc. Những dịp 20/11, Hội trường, hay những phút xuất quân đội tuyển, mỗi khi Thày cô giao nhiệm vụ là các em lại sẵn sàng bố trí thời gian về cùng các em khóa sau trao đổi kinh nghiệm học tập, như một sự tri ân với mái trường đã nuôi mình lớn khôn.

Chính những ngày gian nan đã tôi rèn cho giáo viên THPT chuyên Nguyễn Trãi nói chung, giáo viên Tổ Văn nói riêng những phẩm hạnh thật đáng quí: đó là ý chí vươn lên, đó là sự tương ái tương thân, là tinh thần cần cù, ham sáng tạo, tất cả vì nhiệm vụ chung, góp phần ươm mầm văn chương cho bao thế hệ...Để rồi sau này, những phẩm chất ấy sẽ làm nảy nở hơn nữa nhiều thành tích, kết thành vườn hoa trái bội thu. Anh chị em trong tổ luôn xác định rõ, dù gian khổ thế nào thì nhiệm vụ chuyên môn luôn  phải được đặt lên hàng đầu. Bởi vì với việc dạy Học sinh giỏi, một phút dừng là chết!

Từ việc phát hiện đến quá trình bồi dưỡng là cả một công việc vô cùng quan trọng. Vì vậy, anh chị em trong Tổ luôn cố gắng trau dồi kiến thức, tự nâng cao trình độ nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu thường xuyên đổi mới của việc thi học sinh giỏi Quốc gia. Với bộ môn Văn, cũng như các trường THPT trong toàn quốc, xu thế chung trong việc chọn nghề của xã hội khiến việc học các môn xã hội như Văn, Sử, Địa ngày càng khó khăn hơn bao giờ hết. Bộ giáo dục bỏ chế độ tuyển thẳng cho những học sinh đạt giải Quốc gia, một số học sinh giỏi không yên tâm khi được chọn vào đội tuyển, phụ huynh thì không khỏi lo lắng. Bởi lẽ, đầu tư thời gian, tâm sức để thi đại học, hoặc tìm kiếm một học bổng du học với các em sẽ thuận lợi hơn là phải dồn hết sức lực theo học đội tuyển quốc gia, danh tiếng nhiều, nhưng áp lực cũng quá lớn, mà cơ hội lại rất mong manh…

Mặt khác, ở đối tượng học sinh giỏi, những em sớm bộc lộ tố chất đặc biệt không nhiều. Nhiều em chỉ có tình cảm say mê, yêu thích bộ môn. Một số em lại mới chỉ có thế mạnh là cần cù, chăm chỉ…làm sao truyền cho các em niềm đam mê học hỏi, nghiên cứu; khát vọng được chiếm lĩnh những đỉnh cao trí tuệ, ý chí vươn lên để khẳng định bản thân mình? Đó là câu hỏi khiến nhiều giáo viên Văn trăn trở. 

Để có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong nhiều năm qua, tổ bộ môn đã xây dựng một kế hoạch thực hiện trong suốt ba năm, có sự thống nhất chương trình trong từng năm. Bằng nhiều hỡnh thức như tổ chức thi năng khiếu tạo đà thúc đẩy việc học tập trong học sinh, hướng dẫn học sinh đọc tài liệu ở Thư viện, yêu cầu học sinh làm nhiều bài tập, dùng văn người để sửa văn mình, tạo sự hào hứng cho các em khi nhận xét đánh giá bài viết của các bạn, những câu đoạn hay thường được cả đội nhận xét phân tích tỉ mỉ, kĩ lưỡng. Cứ thế và cứ thế, trải qua một quá trình rèn luyện với không ít mồ hôi và nước mắt, không tránh khỏi đôi lúc thất bại đến nản lòng, đến ngày hôm nay, dưới sự dẫn dắt của các thày cô trong đội tuyển, nhiều em đã trở thành học sinh giỏi cấp Quốc gia, với những thành tích thật đáng khích lệ, tự hào. Đó là sự đền bù xứng đáng cho những cố gắng bền bỉ của thầy trò Tổ Văn trong suốt thời gian qua.

Nhìn lại tổ bộ môn với mười ba đồng chí, 2 nam, 11 nữ, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc. Bao năm qua, chúng tôi đã gắn bó quá sâu sắc với mái trường. Dù mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, bởi đã “dính vào duyên bút mực, suốt đời mang lấy kiếp long đong” không thể nói là không đa đoan, vất vả, nhưng anh chị em đã cố gắng vượt lên tất cả để hoàn thành nhiệm vụ. Có những người từng là học sinh khóa đầu tiên của trường, lớn lên và trưởng thành tại nơi đây, đã từng chứng kiến bao buồn, vui, được, mất của các thế hệ đi trước. Có những Nhà giáo Ưu tú như cô Phạm Diễm Loan, dù đã nghỉ hưu vẫn không xa nổi nơi này, tài năng của các cô, các anh chị vẫn còn tỏa sáng cho thế hệ đàn em học tập. Mái đầu xanh bên mái đầu bạc, những vóc người cứng rắn như chứa đựng cả một thời gian khổ bên đội ngũ trẻ trung, sung sức “gân đang săn và thớ thịt căng da”, họ đã, đang và sẽ là một hình ảnh thu nhỏ của mái trường, nối nhau viết tiếp bài ca truyền thống, để tô thắm bảng vàng thành tích của nhà trường.

Thời gian vẫn bình thản chảy trôi theo vòng đời của nó. Mỗi bước đi để lại trong chúng ta thật không ít nỗi niềm. Trên chặng đường gian nan nhưng cũng rất đỗi vinh quang của sự nghiệp trồng người, mỗi một năm học qua đi là một dịp để ta suy tư, nhìn lại. Chặng đường trước mắt còn bao thử thách, không ít chông gai nhưng không có lí do gì để chúng tôi chùn bước. Bởi bên cạnh chúng tôi có gia đình, người thân, những người đã thầm lặng vun đắp, hi sinh rất nhiều cho chúng tôi. Phía trước chúng tôi là sự kì vọng của nhân dân và lãnh đạo tỉnh Hải Dương, là ánh mắt chứa chan tình yêu của lớp lớp các thế hệ học trò.

Và cũng bởi vì, ở nơi đây, chúng tôi đã có: một niềm tin, dành cho nhau và cho bè bạn...


Thạc sỹ Bùi Đình Nhiễu

(Tổ trưởng Tổ Văn)