Cổ Đạm, ngày nắng...

“- Này, mày dừng xe xem hỏi cụ kia xem có biết không”

“ – Hay chính cụ ấy ấy anh ạ”

“ – Dừng xe tao vào hỏi đã”

“- Chào cụ, cụ cho cháu hỏi cụ có biết nhà nghệ nhân…”

“- Vâng, chính tôi ạ.”

''...- Vâng, chính tôi ạ.''

       Cổ Đạm là một xã ven biển của huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Một vùng đất của văn hóa và những huyền tích. Người dân Cổ Đạm từ ngàn đời vẫn truyền tai nhau nghe truyền thuyết về chàng Đinh Lễ lên núi gặp tiên ông truyền cho bộ khí cụ lạ lẫm, từ đó mà khai sinh ra di sản âm nhạc của nhân loại: Ca Trù. Đến nay đã 6 thế kỷ, Ca Trù cũng như mảnh đất nghèo khai sinh, phát tích ra nó đã đi qua thất thảy những thăng trầm, tao loạn, biến thiên của thời cuộc nhưng khẳng định một vị thế riêng đầy kiêu hãnh trong kho tàng tri thức – văn hóa dân tộc.

       Tuy nhiên, cũng chính từ vẻ “quý phái, kiêu hãnh” cất lên trong lời ca, nhịp phách mà thể loại âm nhạc thính phòng bác học này rất kén người nghe và trở thành một thách thức to lớn cho hậu thế trong công cuộc bảo tồn. Sau Cách mạng tháng Tám, Ca Trù bị liệt vào danh sách của những tàn tích mà chế độ cũ để lại. Sự khắt khe và thiếu hiểu biết của cách nhìn nhận này đã khiến hàng loạt những giáo phường, kép đàn, đào hát tan đàn xẻ nghé; phải mai danh ẩn tích vào chốn dân gian rồi dần dần lãng quên tổ nghiệp. Chỉ đến khi Ca Trù được công nhận là di sản phi thế giới vật thể năm 2009 người ta mới cuống cuồng tìm cách phục dựng, giữ gìn và tìm đến những ca nương cuối cùng của một thời xưa cũ.

       Nhà nước với chức năng quản lý và phục vụ đời sống của nhân dân cuối cùng cũng “nhận thức” được việc “phải ghi nhận” những cống hiến và đóng góp của các nghệ nhân dân gian sau rất nhiều những lần kiến nghị, điều tra, tham vấn bằng một văn bản pháp luật (dù bản thân văn bản này đầy những bất cập và thiếu tính khả thi). Bởi vậy, sự ghi nhận muộn màng này đã khiến chúng ta không kịp tri ân và đãi ngộ những“di sản nhân văn sống”. Họ đã lần lượt rời bỏ dương thế về với tiên tổ trong lặng lẽ, không danh hiệu, không trợ cấp và mang theo cả kho tàng mà họ nắm giữ sang thế giới bên kia.

       Một cái bắt tay mà cảm giác như có điện giật qua người... Từ cái phút ấy, mới hiểu thế nào là độ vênh lệch của lý thuyết và thực tế; sự xa vời và chậm trể đến khó hiểu của cái quy định mà đáng lẽ ra nó đã đuợc triển khai từ 12 năm truớc để ghi ơn những con người xứng đáng đuợc ghi ơn; để gìn giữ những cái xứng đáng để gìn giữ. 12 năm cho một sự “thai nghén” quái đản của lụât pháp trả giá bằng sự rơi rụng lần luợt của những con người mà cộng đồng thì xưng tụng là “báu vật nhân văn sống” nhưng thực tế thì ra đi trong khó nghèo, khổ cực và trăn trở mang theo cả kho tàng văn hóa về với tổ tiên chỉ vì không chính sách, không đãi ngộ cũng như không đuợc quan tâm để truyền nghề. Người làm ra luật, nhưng luật chẳng giúp nổi người vì người làm luật không hiểu ĐỜI.

       Chuyến đi thực tế ở Nghệ Tĩnh đã gặp và tiếp xúc với hàng trăm con người làm đủ ngành nghề, công việc, chức vụ; ở đủ các lứa tuổi nhưng dấu ấn đặc biệt nhất chính là cuộc gặp với con người này - nghệ sĩ tài hoa, dị nhân chốn thôn dã. Tự thấy mình nhỏ bé, chẳng khác gì “ếch ngồi đáy giếng”, “có mắt mà không thấy Thái Sơn”

       Nghệ nhân Trần Thị Gia - ca nương cuối cùng của giáo phường Cổ Đạm - 93 tuổi - 86 năm hát ca trù - tinh thông văn học, lịch sử, chữ Nho, bốc thuốc, tướng số - báu vật nhân văn sống cuối cùng của một thời đào kép vàng son - người được trực tiếp vào triều đình Huế hát tiến vua Bảo Đại.... nay đang sống những ngày khắc khoải cuối cùng với muôn vàn những điều mà như người nghệ nhân già nói: "khổ tâm".

       Và có lẽ điều người nghệ nhân già này "khổ tâm" nhất là sự chậm trễ ghi nhận của nhà nước đối với một người đã dành cả cuộc đời mình gìn giữ "di sản thế giới" Ca Trù và đau đáu nghĩ đến sản nghiệp của tổ tiên đang đứng trên bờ vực của thất truyền. Sự loằng ngoằng đến ngớ ngẩn của luật pháp bằng các thủ tục, các cấp xét duyệt đã khiến cho rất nhiều những nghệ nhân như Gia lão nghệ nhân không thể chờ đợi, cũng đành “khổ tâm” mà về nơi chín suối.

       Những người trẻ hôm nay gặp cụ ngước cao hết tầm cũng chưa nhìn thấy hết tuổi của lão nghệ nhân, chẳng hiểu được hết những tinh hoa mà con người này đang nắm giữ. Chỉ thấm thía một điều: Hoàn cảnh dạy con người ta phải sống cứng rắn và cũng dạy con người ta cách sống hài lòng.

       Cái nghèo, cái khổ, sự truân chuyên của một đời cô quả và cả những lãng quên bạc bẽo trên cõi nhân gian không thể đánh gục được cá tính của người ca nưong già. Ngược lại, nó giống như thuốc thử cho trí tuệ và nhân cách con người thêm tỏa sáng.

       Nhân duyên là những cuộc hạnh ngộ kỳ lạ. Tất cả những bài học về cuộc đời, về loại hình nghệ thuật Ca Trù độc đáo trong hai buổi gặp gỡ ngắn ngủi của bậc thầy Ca Trù dạy cho đám học trò ngoài Hà Nội đã xóa nhòa đi khoảng cách thế hệ, khoảng cách của tiền nhân - hậu thế... Xin một lần nữa cảm ơn và nghiêng mình kính phục trước tài năng và nhân cách của lão Nghệ nhân.

Gia lão nghệ nhân - ca nương cuối cùng của giáo phường Cổ Đạm 

       Chính sách và chế độ bất cập có thể lãng quên một người nhưng không bao giờ vì đó mà làm họ kém phần vĩ đại. Nhất định sẽ có ngày gặp lại.... Tuổi trẻ không đi, chỉ như ếch ngồi đáy giếng…

       Nghĩ cho cùng, chẳng phải tuổi trẻ mới cần đi để không biến thành “những con ếch”. Có những người rất cần đi để vỡ vạc nhưng lại trên mây trên gió, đó mới chính là “những con ếch” đích thực. Đáng buồn thay, “những con ếch ấy” lại làm ra luật - một thứ luật muộn màng, xa vời, chồng chéo và mơ hồ. Người – Luật, Luật - Người, cuối cùng vẫn không thể hiểu Người làm ra lụât để giúp người nhưng Luậtt lại làm khổ người. Chẳng trách đuợc Lụât mà chỉ trách Người. Cũng bởi, Luật chẳng phải Người mà Người làm Luật thì chẳng hiểu Đời!

Tác giả: H.N