Cái nắng gay gắt ngày hè đã dần qua, nhường không gian cho tiết trời thu dịu mát, thơm nồng hương hoa sữa và thoang thoảng gió heo may. Thu sang mang theo cái không khí tự hào của ngày Tết Độc Lập, cái vui mừng hân hoan của đêm rằm Trung Thu. Và hơn hết, đối với mỗi học sinh, đón thu sang là đồng nghĩa với việc đón một năm học mới đang bên thềm gõ cửa, là khởi đầu một chặng mới của con đường học vấn vốn đã không có điểm dừng.

Như một tục lệ, cứ đến ngày 5/9 hàng năm - “Ngày toàn dân đưa trẻ tới trường” thì khắp nơi trên mọi miền đất nước, từng con phố nhỏ đến khắp các miền quê đều nô nức hân hoan niềm vui tới lớp. Niềm vui được đi học, niềm vui được khoác lên mình chiếc áo đồng phục trắng tinh khôi cơ hồ đã trở thành một cảm xúc cố định của mỗi thế hệ học sinh. Qua mỗi năm học mỗi chúng ta ắt hẳn đều đã trưởng thành và chín chắn hơn, nhưng vẫn không thể nào mất đi những cảm xúc đẹp đẽ trong veo đã theo ta từ những năm đầu tiên ấy được.

Học sinh cấp 3- những con người đang ở cái tuổi đẹp nhất của cuộc đời, cái tuổi mà ta dường như đã nghĩ mình đủ lớn mà trong tâm tư vẫn luôn tràn ngập những suy nghĩ đầy trẻ con. Chỉ có điều, khi ấy cái khái niệm "ước mơ" và "kỉ niệm" đã có sức nặng nhiều hơn trong tiềm thức. Cứ mỗi khi kết thúc lễ khai giảng là lớp lớp học sinh lại tụ tập, cùng nhau về dự lễ khai giảng tại mái trường cũ thân yêu. Cái cảm xúc khi được một lần nữa hòa chung không khí khai giảng năm học mới tại ngôi trường cũ của mình thật khó lòng diễn tả được.

Gặp lại bạn bè cũ, cùng nhau ôn lại những kỉ niệm đẹp

Gặp lại các thầy cô trường cũ ít ai nói lên được những cảm xúc thật của mình, chỉ dám chào, bắt tay hay ôm chầm lấy thầy cô rồi lại vội vàng chạy vụt đi nơi khác. Một năm, hai năm trôi qua, thầy cô vẫn chẳng khác đi là bao mà học trò chúng ta ngày càng trưởng thành khôn lớn. Biết bao điều muốn nói, hay chỉ là một lời cảm ơn cũng trở nên vô cùng khó diễn tả. “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” - cái thời học sinh là khoảng thời gian đáng nhớ nhất của mỗi người, với biết bao trò nghịch ngợm chọc phá bạn bè thầy cô. Đến khi đã rời xa ghế nhà trường, sẽ có lúc ta nhớ lại những ngày tháng ấy mà tự nói với nơi sâu thẳm đáy lòng: "Cái thời áo trắng hồn nhiên ấy thật nhiều lắm những kỉ niệm, biết bao điều muốn bày tỏ với thầy cô mà lại chẳng nói nên lời…”

Các cô duyên dáng trong tà áo dài thướt tha trước thềm năm học mới 

Tạm cất đi nỗi háo hức và hân hoan trong ngày tựu trường, học sinh cùng nhau trở về trường cũ, thăm lại lớp học xưa, để có gì đó như nghẹn lại trong lòng... Cảm giác như được trở lại những năm tháng ngày trước, mình cũng đang đứng tại nơi đây, đang miệt mài ôn thi cùng bạn bè trang lứa, vẫn không quên nô đùa nghịch ngợm, cùng nhau vun đắp những kỉ niệm đẹp đẽ không quên. Mọi thứ hiện lên như thước phim quay chậm, nhòe nhoẹt nhưng khắc ghi thật đậm trong tim. Về thăm trường cũ, chúng ta trầm trồ trước những đổi mới của trường, phấn khích vui mừng khi được các em nhỏ nhận ra mình là cựu học sinh, vừa tự hào mà còn vô cùng hãnh diện.

Cảm xúc của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường qua những năm khai giảng dường như có sự khác biệt, đổi thay. Nhưng cảm xúc của cựu học sinh khi trở về trường cũ không năm nào là thay đổi. Đối với những người trưởng thành, lễ khai giảng năm học chỉ là một nghi lễ hàng năm của học sinh nhưng đối với các em, nói tới ngày lễ khai giảng như nói tới một thứ gì đó rất thiêng liêng cao quý, như một cột mốc đánh dấu các em đã lớn, đã ngày một trưởng thành. Chính những cảm xúc đẹp đẽ ấy đã thôi thúc mỗi người học sinh trở về thăm ngôi trường cũ, được vinh dự ngồi dự lễ khai giảng đầu năm, mặc dù là với một vai trò khác, vẫn trên vai chiếc áo đồng phục ấy mà cảm xúc đã không còn như xưa.

Nụ cười rạng rỡ của nữ sinh khi chụp ảnh kỉ niệm cùng các bạn

Năm học mới đã đến, một mùa tựu trường nữa lại về, chúng ta - những học sinh đang hoặc đã từng ngồi trên ghế nhà trường, cho dù ở bất  nơi đâu, hãy dành ra chút thời gian về thăm những “ngôi nhà cũ”, thăm lại thầy cô đã từng gắn bó với ta biết bao năm học, để được sống lại những năm tháng học sinh - những năm tháng đẹp nhất cuộc đời. 

Tác giả: Nguyễn Vũ Anh Phương