Thoát khỏi khói bụi thành phố, ngồi bên nồi bánh chưng xanh, về với dưa hành, dưa ghém, tôi nghô nghê nghe kể về chuyện ngày xưa, về sự tích những cây dừa, và cả chuyện sắm sửa. Tết.

Tôi kể em nghe chuyện Tết xưa

Những ngày đất nước còn chìm trong bao cấp

Những ngày Tết đến dồn đến dập…

      Thời bao cấp, khi đất nước còn khó khăn, khi mà cái ăn còn chẳng đủ, thì Tết về là dịp ăn to nhất. Ngày xưa, cả làng được hợp tác xã phát 1 con lợn, mang về sân đình, mổ chia nhau. Người cầm dao, người cầm thước, người có đĩa, người mang tay không về. Chỉ biết, Tết về là có thịt lợn để ăn, là dịp cả nhà được no bụng. Lúc đụng lợn, người người, nhà nhà ra sân đình xem. Từng ánh mắt chứa chan nhiều điều vô kể. Trẻ con vui sướng vì được ăn ngon, cụ già phấn khởi vì được nhai miếng thịt, bà mẹ rơm rớm vì nghĩ đến bữa ăn đầy đủ. Thế nên, Tết xưa trong mắt mọi người là dịp được mong đợi nhất. Cái đói, cái khổ của cả năm, Tết đến sẽ được bù.

 

 

      Sáng 29 Tết, dậy vẫn sớm, nhưng trẻ con háo hức vô cùng. Đó là được đi chợ Tết cùng bà, cùng mẹ, là được mua quần áo mới. Có khi chỉ theo đuôi mẹ ra chợ, mua cái oản, gói quà, cái bánh. Nhà nào giàu có thì mua thêm hộp mứt, cành đào, không thì thôi. Cứ thế, mọi người đều kéo nhau đi chợ, và chợ Tết luôn là nơi vui và nhộn nhịp nhất khi Tết đến.

 

      Rồi lại đến chuyện gói bánh chưng. Sáng 28 ra vườn lấy lá dong gói bánh. Mẹ thì lựa lá, bố thì chẻ lạt, con rửa lá, chị đồ gạo, em làm nhân… Rồi mọi khâu chuẩn bị đều xong, ở một góc sân nhỏ, cả nhà túm tụm vào gói bánh. Từng chiếc lá xanh, thêm ít gạo đồ, gói cùng đỗ vàng, dưa hành, thịt mỡ. Gói vào, như gói cả tình thương. Đó là công sức cả năm bao công vất vả, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, khi mà từng giọt mồ hơi rơi, thì Tết đến. Cả nhà sum vầy bên nồi bánh chưng, thêm củ khoai, củ sắn vào nướng. Lửa hồng cứ bập bùng 8 tiếng, để rồi bóc bánh ra, là cả một tấm lòng gia đình chan chứa.

 

      Dọn nhà rồi sắp mâm ngũ quả, làm bữa cơm tất niên… Cứ thế, Tết được mong chờ. Theo một cách giản dị và thiêng liêng nhất, không phải là cái gì cao cả, không phải là cái gì phù sa, mà là tấm lòng, là khoảnh khắc sum vầy, là được ăn bữa cơm tất niên cùng cả nhà, nắm tay nhau trong giờ khắc chuyển giao trời đất. Tất cả, gói quyện lại trong chiếc bánh chưng, trong mâm ngũ quả, và trong đất trời. Gọi là Tết.

      Bữa cơm tất niên có lẽ là bữa cơm đầy đủ nhất. Có bánh chưng, có thịt lợn, có đủ cơm ăn, có đủ nhọc nhằn, có đủ gánh vác. Cả một năm trời khó nhọc vất vả, giờ là lúc hưởng thụ. Bố nhìn những đứa con ngồi ăn, mà rơm rớm nước mắt. Đất nước mình ơi sao mà khổ quá, khi mà những cơn đói vất vả, cứ chồng cứ chất, cái ăn cũng chẳng đủ, thì chỉ có Tết, là khi được no, được trò được chuyện. Cứ thế, những giọt nước mắt của bố, của mẹ rơi. Vui vì nhìn con ăn no, thương con đã phải nhịn đói, thương cả thân mình vì những gì đã trải qua…

 

      Tết vui thế những cũng không vui hẳn. Mẹ vẫn phải lo toan bao bộn bề sau Tết cả nhà sẽ ăn gì, thâm chị nhà nào không có điều kiện thì còn phải lo cả trước Tết cũng không có gì mà ăn. Rồi cả những ánh mắt mẹ già hóng con nơi tiền phương chiến đấu, ngóng chờ khoảnh khắc sum vầy đầy đủ…

      Tết cứ thế, cứ đến. Rồi như một chiếc cây, mà từ khi sinh ra, đã mọc trong lòng từng người con đất Việt.

      Tết xưa là thế… Có đủ cảm xúc, đủ niềm vui, đủ nước mắt,… Mong sao thế hệ trẻ chúng ta có thể gìn giữ những bản sắc văn hóa, như là một nấc thang cao, đưa dân tộc Việt ra năm châu, hướng đến toàn cầu. ..

 

Tác giả: Vĩnh Tiến