5 năm, là quãng thời gian quá dài, để kịp quên đi điều gì đó, để chợt nhớ ra điều gì đó. 5 năm rồi từ một ngày hè tháng 7, mưa nhiều quá, nắng to quá, ve râm ran quá. Vẫn là cảm giác háo hức thường niên, như vẫn hằng mong ước một điều bất ngờ sẽ đến. Không phải những que kem mát lạnh, không phải là những cánh diều vi vu. Không hề !

     Tôi sắp có nhà mới !

     Có lẽ lúc đó tôi còn quá ư non nớt. tâm hồn trẻ thơ của tôi còn chập chững và chưa đủ  sức nhận ra một điều rằng: nhà mới, đồng nghĩa với việc bữa cơm không còn đông đủ thành viên.

     Nơi nào tôi sẽ ăn ở? Nơi nào tôi sẽ gắn bó? Nơi nào sẽ là cuộc sống mới của tôi? Câu trả lời là gì nhỉ. Có người gọi đó là kí túc xá, người khác lại gọi là khu nội trú. Còn riêng tôi, tôi gọi đó là NHÀ.

    Trong tâm hồi ức của một học sinh lớp 7, đây là nơi có cổng rất to, có sân, có nhiều phòng quá. Nhà tôi lại ở trong một cái nhà tôi to hơn nữa…

     Điều đặc biệt hơn là: tôi đã có bạn, hàng xóm đấy, rất xa xỉ đấy. Sau từng ấy năm tuổi thơ chỉ làm bạn với ánh nắng trong phòng, tôi đã có người để chơi cùng, để rủ rê đi đá bóng, đi thả diều. Có bao giờ bạn nghĩ rằng, câu nói : “Xin phép mẹ con đi chơi!” nó lại là cả một niềm hạnh phúc, điều mơ ước với một đứa trẻ chưa? Tôi lấy làm mừng, tôi khoe khoang, tôi hãnh diện.

     Tôi chạy loăng quăng khắp nơi, tôi nhìn ngắm, tôi tò mò nhiều về con phố này, về những người này. Ồ cái này là công viên, cái này là hồ, này nữa, này là vườn hoa. Mới lạ quá vì tôi được tự do, được chạm, được khám phá không phải qua lời giảng dạy.

    Bạn bè thích đến nhà tôi chơi, muốn đến nhà tôi để ăn uống, tâm sự, leo trèo. Mọi người cũng như tôi, nhìn thấy kí túc xá là điều gì bí ẩn, và thú vị ghê lắm.

    Lần đầu mất xe nữa.

     Khu nội trú học sinh Nguyễn Trãi. Sao nhỉ, nó làm tôi nhớ đến nhiều hồi ức, nhiều kỉ niệm mà chính tôi phải bất ngờ. Tôi còn bé quá, quá ham ngó nghiêng để nhớ được hết tên các anh chị tầng trên. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau, nhiều giọng nói khác nhau, nhiều tính cách, và tôi gọi họ là anh, là chị. Họ dạy cho tôi đủ điều, dạy tôi từ quét nhà, nấu món này món nọ, đến dạy tôi ý thức, đến thứ gọi là tự lập. “Lao lên tầng 3 lập tức” gần như đã nằm trong thời gian biểu 1 ngày của tôi rồi. Sáng đi học về, trưa đi học về, tối đi học về, lúc mất điện, lúc mất ngủ. Họ giúp đỡ tôi nhiều điều, nhiều việc.

     Anh chị ấy nghịch ngợm, láu cá, ồn ã và đem lại cảm giác an toàn tuyệt đối. Họ luôn chào đón tôi, họ mừng vì tôi gõ cửa phòng họ, đôi khi là rất cáu. Họ là những học sinh giỏi giang, đa năng nhất tôi từng gặp, từng biết. Không thể không kể đến những ngày tất niên, khai giảng sôi động lắm chứ. Cái sân kí túc bé bé nhỏ nhỏ được trang hoàng, bừng sáng đôi khi là lung linh một cách diệu kì. Đèn bàn, chiếu, liên hoan, vui khôn tả. Những cuộc vui duy nhất mà tôi không bị bỏ lại phía sau, không phải đứng một góc nhìn xa. Những người bạn tuyệt vời! Chẳng có đứa học sinh trung học nào, chẳng biết gì về bóng và về đá, 1h sáng lọ mọ dậy thật sớm. Băng nhanh qua khoảng sân đến với phòng bảo vệ, với không khí của tinh thần kí túc.

     Một buổi sáng thức giấc, vẫn là ve kêu râm ran, tiếng quạt máy đã lấn át hết các tạp âm còn lại hay ….. Bước lên từng phòng, từng tầng, từng bậc thang. Giật mình trước cửa những căn phòng khóa kín, trống rỗng. Tôi tiếc nuối, có khi làbực tức về bản thân nữa. Hè đến rồi, kì thi đại học đến rồi, mang họ đi rồi.

     Im lặng.!

     Hè ở đây buồn lắm, yên tĩnh lắm. Nhiều lúc cảm giác trong khoảng không có gì đó lấn át, bóp nghẹn trong khi ta chỉ có một mình.

     5 năm sau, một thằng bé ngày nào đã chính thức là học sinh của kí túc, hãnh diện khoác lên mình đồng phục trường THPT chuyên Nguyễn Trãi trắng muốt, thơm phức. Chỉ muốn được thốt lên cùng niềm vui : anh chị ạ, em đã là học sinh Nguyễn Trãi rồi đấy !

    Kí túc giờ đã khác nhiều và xa vời lắm. Số lượng học sinh cũng không còn nhiều như trước, không còn náo nhiệt và sôi động như trước. Chỉ là không được như trước thôi, chứ tinh thần kí túc thì không bao giờ mòn, không bao giờ mờ. Người ra người vào, người lạ.

    Năm cuối cấp đang gõ cửa , tôi đã đặt chân đến bậc trên cùng của chặng đường, tôi đã trở thành một học sinh giống như anh chị năm xưa rồi. Giờ này có lẽ mọi người đều đã thành công trên ngã rẽ học thức cũng như con đường đời của mình. Em sẽ không làm mọi người thất vọng đâu. Cố gắng từ ngày, từng giây để xứng đáng một học sinh kí túc xá thân yêu. À không, là nhà.!


                                                                                                                 Từ phòng A10

                                                                                     

Tác giả: Đào Trọng Nhân – Khối A1 (2012 – 2015)